Tin tức

Đau mắt đỏ (Viêm kết mạc)

Bệnh đau mắt đỏ là tình trạng viêm nhiễm hoặc kích ứng ở mắt, gây ra những triệu chứng như kết mạc mắt đỏ, đau, khó chịu, ngứa, nổi mẩn đỏ, chảy nước mắt và khó nhìn rõ. Nguyên nhân gây bệnh này gây bệnh có thể do vi rút (phổ biến nhất), vi khuẩn và các tác nhân gây dị ứng.

Đau mắt đỏ là gì?

Kết mạc mắt bao gồm kết mạc nhãn cầu (là lớp màng mỏng trong suốt ở bề mặt lòng trắng) và kết mạc mi (là lớp niêm mạc lót bên trong mi trên và mi dưới). Khi lớp niêm mạc này bị viêm do các tác nhân gây ra gọi là bệnh Viêm kết mạc (Đau mắt đỏ).

Nguyên nhân đau mắt đỏ?

Nguyên nhân gây bệnh có thể do vi rút (phổ biến nhất), vi khuẩn và các tác nhân gây dị ứng.

Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Tình hình đau mắt đỏ tại TP. HCM

  • Tính từ đầu năm 2023 đến ngày 31/8, tổng số ca bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố là 63.309 ca, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2022 là 53.573 ca.
  • Trong tổng số 63.039 ca bệnh, 1.001 ca có biến chứng, chiếm 1,59% (cùng kỳ năm 2022 là 873 ca biến chứng, chiếm 1,63% tổng số ca bệnh). Các biến chứng của bệnh viêm kết mạc thường gặp gồm: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực,…
  • Adenovirus là một nguyên nhân phổ biến.

Triệu chứng thường gặp

  • Kết mạc mắt đỏ
  • Ngứa, chảy nước mắt ( xuất hiện nhiều khi nguyên nhân là tác nhân gây dị ứng)
  • Giả mạc, ghèn dính ở mắt ( ghèn màu vàng hoặc xanh có thể gợi ý sự xuất hiện của vi khuẩn)
  • Phù mi
  • Xuất hiện ở 1 hoặc 2 bên (thường do vi khuẩn và vi rút ) và ở 2 bên (do tác nhân dị ứng)
  • Có thể có các triệu chứng kèm theo tùy vào nguyên nhân 
  • Ho, hắt hơi, sốt, viêm họng, nổi hạch (do vi rút)
  •  Viêm mũi dị ứng (do tác nhân dị ứng).

Đau mắt đỏ có dễ lây không?

  • Bệnh đau mắt đỏ có thể lây truyền qua nhiều cách, bao gồm tiếp xúc trực tiếp với người bệnh như nói chuyện, ôm hôn, hoặc bắt tay,…
  • Ngoài ra, bệnh có thể lan truyền thông qua các vật dụng nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt, gối, tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ chơi,...
  • Sử dụng nguồn nước nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, hoặc bể bơi cũng có thể là nguồn lây truyền bệnh. Hơn nữa, thói quen sờ mắt, đặt tay vào mũi hoặc miệng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
  • Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và trở thành dịch. 

Điều trị đau mắt đỏ

Tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh:

  • Viêm kết mạc do virus: Bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng bao gồm chườm mát, rửa mắt bằng nước sạch, tránh khô mắt bằng cách nhỏ nước mắt nhân tạo kèm theo kháng sinh phòng bội nhiễm vi khuẩn.
  • Viêm kết mạc do vi khuẩn: Điều trị nguyên nhân gây bệnh bằng kháng sinh nhỏ mắt hoặc thuốc tra mắt.
  • Viêm kết mạc do dị ứng: Cố gắng tìm tác nhân gây dị ứng và tránh các tác nhân gây dị ứng, điều trị bằng các thuốc chống dị ứng, nhỏ nước mắt nhân tạo để làm giảm khó chịu.

Làm gì khi bị đau mắt đỏ

  • Rửa mắt, giữ vệ sinh mắt sạch sẽ: có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt.
  • Chườm lạnh bằng cách đắp một chiếc khăn ướt, mát lên mắt trong các trường hợp mắt phù nề sưng tấy đỏ. 
  • Có thể sử dụng kính bảo hộ tối màu để giúp giảm chứng sợ ánh sáng và ngăn ngừa việc chạm vào mắt thường xuyên.
  • Hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt. 
  • Nếu trong gia đình có người đau mắt đỏ, nên cách ly ở một phòng đồ dùng nên dùng riêng để hạn chế lây cho các thành viên trong gia đình.
  • Đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi. 
  • Vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt.

Những điều lưu ý không nên làm khi bị đau mắt đỏ

  • Không tự ý sử dụng thuốc nhỏ có chứa corticoid hay những thuốc chưa rõ thành phần vào mắt. Điều này không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Không tiếp xúc ở nơi đông người. 
  • Khi thấy đau ở mắt hoặc có vấn đề khi nhìn.
  • Khi thấy nhạy cảm với ánh sáng (thấy khó chịu khi nhìn vào nguồn ánh sáng mạnh).
  • Khi triệu chứng kéo dài cả tuần hoặc hơn, hoặc triệu chứng không bớt mà ngày càng tệ.
  • Khi mắt ra rất nhiều mủ hoặc ghèn.
  • Khi bạn có triệu chứng khác của nhiễm trùng như sốt hoặc đau nhức.

Phòng bệnh đau mắt đỏ như thế nào?

  1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch.
  2. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi và miệng.
  3. Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang...
  4. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
  5. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
  6. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
  7. Người bệnh, người nghi bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.
  8. Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của Bác sĩ để tránh biến chứng nặng.
 
 
 
 
Chia sẻ:

Nội dung liên quan

Béo phì và nguy cơ cho sức khỏe của bạn

Béo phì là tình trạng tích tụ bất thường và quá mức khối mỡ tại mô mỡ và các tổ chức khác, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

17/09/2023

Trào ngược dạ dày thực quản: Nguyên nhân và cách điều trị

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng các chất trong lòng dạ dày trào ngược lên thực quản hoặc xa hơn nữa vào khoang miệng hoặc phổi.

27/09/2023