Nhiễm khuẩn HP: dấu hiệu và cách điều trị
Phần lớn người bị nhiễm H.Pylori không có triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, H. Pylori được xem là có thể gây nhiều bệnh khác nhau trên hệ tiêu hóa như loét dạ dày và ung thư
Vi Khuẩn HP LÀ GÌ?
Helicobacter Pylori (viết tắt là H.Pylori) thuộc loại trực khuẩn gram âm và là vi trùng rất thường tìm thấy trong dạ dày.
Phần lớn người bị nhiễm H.Pylori không có triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, H. Pylori được xem là có thể gây nhiều bệnh khác nhau trên hệ tiêu hóa như loét dạ dày và ung thư.
Khoảng 70% tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP trong dân số Việt Nam
Tại các nước đang phát triển, tỷ lệ nhiễm bệnh trong dân số cao hơn so với các nước phát triển. Có thể do điều kiện môi trường sống chưa tốt, khả năng lây nhiễm cao giữa những thành viên sống cùng gia đình.
Tại Việt Nam, ước tính tỷ lệ hiện mắc khoảng 70% nam nhiều hơn nữ, thay đổi giữa các địa phương. Đặc biệt có những trường hợp mắc ở trẻ 1-2 tuổi.
Những yếu tố nguy cơ để bị nhiễm vi khuẩn HP là gì?
Yếu tố nguy cơ chủ yếu là liên quan đến tình trạng môi trường sống và các điều kiện xã hội liên quan.
- Mật độ nhà;
- Độ tập trung dân số;
- Nguồn nước sinh hoạt;
- Số thành viên anh chị em cùng gia đình;
- Thói quen sinh hoạt, chia sẻ đồ dùng, đồ ăn trong gia đình.
Các Đường Lây Nhiễm Khuẩn H.Pylori?
Đường lây nhiễm chính của H.Pylori trong cộng đồng là miệng – miệng hoặc phân – miệng.
- Đường lây nhiễm từ miệng – miệng: Vi khuẩn HP tồn tại trong khoang miệng, có dịch nước bọt hoặc dịch dạ dày của người bệnh. Nếu người lành tiếp xúc với dịch chứa vi khuẩn HP, nguy cơ lây nhiễm rất cao.
- Đường lây nhiễm từ phân – miệng: Vi khuẩn HP trong đường tiêu hóa cũng bài tiết ra ngoài theo đường phân và có thể lây lan cho cộng đồng. Việc xử lý chất thải rắn không đúng cách, thói quen ăn uống không vệ sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm, thực phẩm sống, chưa chế biến kỹ như (nộm,tái) có thể làm lây nhiễm HP.
Làm thế nào để chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP?
Có nhiều cách thức chẩn đoán nhiễm H.Pylori
- Xét nghiệm máu;
- Xét nghiệm tìm Ure qua hơi thở;
- Xét nghiệm phân;
- Nội soi cho phép đánh giá tình trạng của niêm mạc dạ dày, đồng thời làm test phát hiện sự hiện diện của H.Pylori.
Điều trị nhiễm vi khoản HP như thế nào?
- Điều trị bằng thuốc, có thể kéo dài 14 ngày;
- Diệt H. Pylori nhằm tạo điều kiện để vết loét mau lành hơn, hạn chế biến chứng do ổ loét có thể gây ra;
- Việc theo dõi là cần thiết để đánh giá hiệu quả điều trị;
- Bệnh nhân có thể được hẹn tái khám và làm xét nghiệm đánh giá.
Làm gì để phòng bệnh HP?
- Không dùng chung các dụng cụ trong gia đình;
- Khi gắp thức ăn cho người xung quanh cần đổi đầu đũa;
- Hạn chế ăn uống tại các quán xá không đảm bảo vệ sinh;
- Hạn chế ăn các loại đồ ăn sống như rau sống, gỏi….
- Không nhai mớm cơm cho trẻ;
- Thường xuyên tráng nước sôi các dụng cụ ăn uống;
- Vật nuôi như chó mèo cũng cần tắm rửa để hạn chế mầm bệnh
- Bạn cần chủ động khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm/lần giúp phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.