Top những bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ em, bố mẹ nên biết
Cúm, viêm phổi, viêm phế quản, … là những bệnh lý trẻ em dễ mắc phải, thường xảy ra quanh năm đặc biệt nhiều nhất vào thời điểm giao mùa.
Trẻ sơ sinh và trẻ em thường dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, phổ biến nhất là các bệnh sau đây:
Cúm
Cúm là bệnh thường do virus Influenza gây ra, trẻ thường sốt cao 5 – 7 ngày, đau cơ, mệt mỏi, ho và sổ mũi. Biến chứng của bệnh cúm bao gồm viêm phổi, nhập viện do các nhiễm khuẩn – vi khuẩn thứ phát.
Bệnh cúm nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt là trẻ em.
Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh cúm cũng như giảm nhẹ triệu chứng bằng cách tiêm vắc xin phòng cúm. Trẻ em có thể được tiêm vắc xin phòng cúm từ 6 tháng tuổi. Vắc xin cúm cần phải được tiêm hàng năm bởi vì các chủng vi rút được sử dụng trong vắc xin cúm có thể thay đổi cho phù hợp theo mùa.
Cảm lạnh thông thường
Cảm lạnh thông thường là một trong các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em cũng như người lớn, đặc biệt khi trời lạnh hoặc thời tiết thay đổi. Bệnh thường do virus gây ra, tuy nhiên đây cũng có thể là khởi đầu cho những bệnh lý hô hấp khác nặng hơn.
Bệnh thường có các biểu hiện sau: Sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi, đau đầu, nhức mỏi cơ thể
Viêm họng cấp tính
Triệu chứng thường gặp của bệnh viêm họng cấp tính đó là cảm giác đau, rát họng khi nuốt, ho, sốt, sổ mũi, khàn tiếng. Hầu hết các trường hợp viêm họng cấp là do vi khuẩn liên cầu khuẩn gây nên. Mặc dù có các dấu hiệu gần giống với các triệu chứng ho cảm thông thường, tuy nhiên viêm họng cấp dễ biến chứng thành viêm phổi, viêm khớp, thậm chí gây biến chứng nguy hiểm tại tim.
Viêm VA
Viêm VA là một khối lympho ở vùng mũi họng. Vì thế, nếu tổ chức này bị viêm, sưng thành khối lớn có thể gây cản trở quá trình hô hấp của trẻ. Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 6 tuổi, với các dấu hiệu thông thường như sốt trên 38 độ, chảy mũi, ngạt mũi, ho… Đặc biệt, nếu xảy ra biến chứng viêm phế quản, triệu chứng ho của bé sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Viêm Amidan
Ngoài những triệu chứng thông thường như sốt, đau họng, mất tiếng, trẻ bị viêm Amidan sẽ cảm thấy khô đắng miệng. Đặc biệt, lưỡi bé có thể trắng hơn, vùng niêm mạc họng và góc hàm sẽ có nổi hạch. Đặc biệt, với những trường hợp viêm amidan mạn tính nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Viêm thanh khí quản cấp
Là một trong các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi, gặp nhiều nhất là khoảng 18-24 tháng tuổi. Bệnh chủ yếu do virus gây ra, đôi khi có thể do vi khuẩn.
Bệnh thường khởi phát với sốt nhẹ, ho, sổ mũi. Sau 1-3 ngày, đột ngột xuất hiện khàn tiếng và khó thở, thở rít, kèm theo đó có ho nhiều, ho ông ổng như chó sủa là dấu hiệu đặc trưng để nhận dạng bệnh. Cần để ý các dấu hiệu nặng như tím tái, vật vã kích thích, li bì thờ ơ, sốt cao co giật,…
Hen suyễn
Một trong các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em chính là hen suyễn, đặc biệt ở những trẻ có cơ địa dị ứng. Hen suyễn thường được chẩn đoán dựa vào tiền sử ho khò khè tái phát, thành cơn, thường là sau khi gắng sức hoặc tiếp xúc với các chất lạ.
Hen suyễn mức độ nặng có thể đe dọa tính mạng của trẻ, do phế quản co thắt dẫn đến không cung cấp đủ oxy cho cơ thể, biểu hiện bằng việc kích thích, tím tái. Ba mẹ có thể dựa vào việc bé nói ngắt quãng, nói không thành tiếng hoặc thay đổi tư thế để đánh giá mức độ khó thở của bé.
Viêm tiểu phế quản
Viêm tiểu phế quản là bệnh lý nhiễm siêu vi cấp tính ở các phế quản nhỏ và trung bình, nguyên nhân hâu hết là do các siêu vi hô hấp như RSV, adenovirus,… là một trong các bệnh lây qua đường hô hấp thường gặp ở trẻ. Bệnh được biểu hiện với các triệu chứng ho, khò khè, thở nhanh, có thể có co lõm ngực.
Viêm phổi
Những trẻ viêm phổi thường có triệu chứng sốt, ho, thở nhanh, có thể có khó thở. Có thể thấy được hình ảnh viêm phổi trên phim X- Quang ngực. Một số triệu chứng nặng mà ba mẹ cần để ý để đưa con tới cơ sở y tế ngay như sốt cao, thở rút lõm ngực, co giật, tím tái, li bì khó đánh thức,..
Những viêm phổi nhẹ ở trẻ lớn có thể được điều trị tại nhà với kháng sinh và giảm đau hạ sốt. Tất cả trường hợp viêm phổi ở trẻ em dưới 2 tháng tuổi đều phải được coi là nặng và cần phải nhập viện và điều trị tích cực.
Theo ý kiến BS CKI. Nguyễn Thái Trân, cách phòng ngừa bệnh đường hô hấp ở trẻ em tốt nhất:
-
- Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa một số bệnh đường hô hấp nguy hiểm ở trẻ em như sởi, cúm, viêm phế cầu khuẩn. Trẻ tiêm chủng đầy đủ theo lịch khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Nên rửa tay cho trẻ thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với người bệnh
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, đặc biệt là các bề mặt mà trẻ thường xuyên tiếp xúc như đồ chơi, tay nắm cửa, bàn ghế. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, thuốc lá và các chất ô nhiễm môi trường khác.
- Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ, từ đó giúp trẻ phòng ngừa các bệnh đường hô hấp.
- Khi trời lạnh, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc quần áo ấm cho trẻ và cho trẻ đội mũ, đeo găng tay, khăn quàng cổ. Tránh cho trẻ ra ngoài trời lạnh khi không cần thiết.
- Nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao thường xuyên giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ, từ đó giúp trẻ phòng ngừa các bệnh đường hô hấp
Khi thấy trẻ có các dấu hiệu mắc phải các bệnh lý đường hô hấp kể trên, bạn có thể thử các phương pháp giúp giảm các triệu chứng tại nhà như dùng thuốc giảm đau, hạ sốt, cho bé nghỉ ngơi, chú ý uống nhiều nước. Tuy nhiên, tốt nhất, bạn nên đưa bé đi khám và tránh tự ý dùng kháng sinh khi chưa biết rõ bé đang bị bệnh gì và nguyên nhân gây ra. Tùy thuộc vào kết quả chẩn đoán mà bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc phù hợp.
Liên hệ tư vấn và đặt lịch khám tại phòng khám gia đình Tokyo
Phòng khám gia đình Tokyo – Y tế chuẩn Nhật
- Địa chỉ: 127 Hồng Hà, P. 09, Q. Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh
- Hotline: 1900 9999 24
- Fanpage: fb.com/tokyofamilyclinic
- Website: tokyofamilyclinic.com.vn